-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
8 điều bạn cần biết khi chăm sóc sức khỏe tuổi 30
Đăng bởi chơn đức vào lúc 15/05/2021
Bạn nghĩ rằng 30 tuổi là hết trẻ trung? Nếu biết cách chăm sóc sức khỏe tuổi 30, bạn sẽ luôn tràn đầy sức sống và rạng rỡ như tuổi 20!
Cuộc sống cứ tiếp diễn và bạn nhận ra mình đã bước sang tuổi 30. Bạn có thể không cảm nhận sự khác biệt nào so với vài năm trước, nhưng thực tế cơ thể bạn đang thay đổi mỗi ngày vì bạn đang bước vào giai đoạn lão hóa tự nhiên của cơ thể.
1. Chăm sóc sức khỏe tuổi 30: Những thay đổi của cơ thể sau tuổi “băm”
Khi chạm mốc tuổi 30, cơ thể phụ nữ sẽ bắt đầu có những dấu hiệu khác biệt sau đây:
Làn da xuất hiện nếp nhăn
Da bạn có thể bớt tươi sáng, tạo nhiều nếp nhăn hơn khi đến 30 tuổi. Chủ yếu là vì các tế bào da đã không tái tạo nhanh như khi bạn còn trẻ nữa. Đây là tiến trình bình thường của sự lão hóa.
Bạn có thể dùng sữa rửa mặt và dưỡng ẩm, kem chống nắng để bảo vệ làn da tốt hơn.
Vóc dáng trở nên đầy đặn
Nhiều phụ nữ sẽ tăng cân khi đến tuổi 30 vì sự trao đổi chất của cơ thể giảm đi. Vì thế để duy trì cân nặng lý tưởng, bạn nên lên kế hoạch tập thể thao như tập aerobic, đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp, bơi lội…
Bạn cũng nên tuân theo một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, ít chất béo bão hòa, nhiều trái cây và rau củ và giảm các loại thực phẩm chế biến sẵn để chăm sóc sức khỏe.
Nguy cơ bị loãng xương
Bạn có thể không cảm nhận được xương bạn đang dần yếu đi khi bạn đến 30 tuổi, nhưng thực tế là bạn sẽ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn trước đây. Các cơ trong cơ thể cũng dần mất đi trương lực, ảnh hưởng đến vóc dáng, sức khỏe và sự cân bằng của cơ thể.
Bạn nên chăm sóc sức khỏe cơ xương của mình và giảm nguy cơ loãng xương bằng cách sau:
- Chế độ ăn giàu canxi, khoáng chất cần thiết để giúp xương và răng chắc khỏe.
- Tập thể thao thường xuyên hơn (aerobic, chạy bộ, khiêu vũ…) Tốt nhất là bạn nên dành khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày cho các hoạt động trung bình như đi bộ nhanh cùng với tập luyện sức mạnh (như nâng tạ) 2 – 3 lần một tuần.
- Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để giúp bạn giữ xương chắc khỏe, tăng cường chế độ ăn giàu canxi, khi nào bạn nên bổ sung vitamin và khoáng chất.
2. Tâm lý của bạn sẽ dễ rơi vào trạng thái stress
Bạn cũng phải đối mặt với các căng thẳng xảy ra thường xuyên dẫn đến nguy cơ bị stress cao hơn. Khi đến 30 tuổi, bạn có nhiều vấn đề phải bận tâm như sự nghiệp, ba mẹ lớn tuổi, trách nhiệm gia đình… Vì thế, duy trì sức khỏe tâm lý tốt là cách giúp bạn đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống.
Để chăm sóc sức khỏe tinh thần tuổi 30, bạn cần một chế độ ăn dinh dưỡng, ít chất béo, tập thể thao thường xuyên, không hút thuốc lá. Nếu bạn uống nhiều bia rượu, hãy học cách kiềm chế bản thân, bạn chỉ nên giới hạn uống 1 lon bia mỗi ngày. Bạn cũng đừng quên dành thời gian cho các hoạt động cá nhân để kiểm soát stress như yoga, chăm sóc cây cảnh, đọc sách và dành thời gian với bạn bè.
3. Tăng nguy cơ biến chứng khi mang thai
Nhiều phụ nữ ngày nay thường sinh con khi họ qua 30 tuổi vì sự nghiệp, kinh tế, cũng như đủ khả năng chăm sóc con cái. Nếu bạn có sức khỏe tốt, có lối sống lành mạnh thì quá trình mang thai của bạn có thể bình thường và đứa bé sẽ khỏe mạnh.
Nhưng mang thai sau tuổi 30 lại có nhiều nguy cơ hơn so với khi còn trẻ. Khả năng thụ thai giảm xuống khi bạn đến 30 tuổi, đặc biệt là sau 35 tuổi, vì thế bạn sẽ mất thời gian lâu hơn để mang thai. Nguy cơ sảy thay cũng như các vấn đề khi mang thai cũng gia tăng ở tuổi này, đặc biệt là khi bạn qua 35 tuổi, nguy cơ dị tật thai nhi cũng tăng cao hơn so với khi mang thai lúc trẻ.
Bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh phụ khoa khi qua 35 tuổi hay đã từng có biến chứng trong quá trình mang thai. Nếu bạn dưới 35 tuổi mà không thể mang thai sau 1 năm, bạn nên đi khám bác sĩ sản khoa nếu muốn mang thai. Còn khi bạn đã qua 35 tuổi bạn nên khám khi chưa thể có thai sau 6 tháng.
4. Phụ nữ sau tuổi 30 cần quan tâm sức khỏe nhiều hơn
Sau tuổi 30, bạn cần quan tâm nhiều hơn đến bản thân để duy trì sức khỏe tốt. Những điều quan trọng khi chăm sóc sức khỏe phụ nữ tuổi 30 gồm:
- Giảm căng thẳng
- Khám sức khỏe định kỳ
- Ngăn ngừa loãng xương
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Chăm sóc và dưỡng da hàng ngày
- Quan tâm về việc sinh con, mang thai, hay phòng tránh thai
- Duy trì thói quen lành mạnh và các biện pháp phòng ngừa bệnh tật
5. Ghi chép lại các bệnh lý mắc phải
Ngoài biết cách chăm sóc sức khỏe mỗi ngày, bạn cũng nên ghi lại chi tiết các bệnh mà bạn và các thành viên khác trong gia đình mắc phải. Việc này rất có ích khi bạn đi khám bác sĩ, họ có thể dựa vào các thông tin bạn cung cấp mà xác định chính xác hơn tình trạng sức khỏe và nguy cơ tiềm ẩn. Nhờ đó mà các bác sĩ sẽ hướng dẫn các biện pháp phòng tránh bệnh và duy trì sức khỏe cho bạn.
Bạn sẽ cần phải hỏi thành viên trong gia đình về các bệnh hiện mắc, triệu chứng và thời gian mà mọi người mắc bệnh mạn tính như bệnh tim, biến chứng khi mang thai, sảy thai, và các rối loạn khác.
Còn nếu bạn đang dự định sinh em bé, bạn nên lập một phả hệ về các bệnh của mọi người bên nội và ngoại và cung cấp cho bác sĩ nếu bạn nhận thấy sự bất thường.
6. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi cần thiết
Bạn nên ghi lại các thắc mắc về tình trạng sức khỏe của mình, cùng với ghi chép về các bệnh đã mắc phải và mang theo tất cả khi đi khám bác sĩ. Bạn nên hỏi 10 câu hỏi dưới đây với bác sĩ khi cần thiết:
- Làm sao để tôi cải thiện chế độ ăn của mình, hay nên tập môn thể thao nào để tăng cường sức khỏe?
- Tôi nên khám sức khỏe định kỳ khi nào và những xét nghiệm tôi phải thực hiện khi đi khám?
- Tôi có nên khám vú hàng tháng không? Cách thực hiện hình thức khám đó như thế nào?
- Tôi phải làm gì để phòng bệnh loãng xương? Lượng canxi và vitamin D mà tôi cần hàng ngày là bao nhiêu?
- Tôi nên chăm sóc da như thế nào để giảm dấu hiệu lão hóa? Tôi nên kiểm tra nốt ruồi hàng tháng như thế nào?
- Nếu bạn có hút thuốc bạn có thể hỏi bác sĩ cách cai thuốc lá.
- Tôi có cần thay đổi cách tránh thai khi qua 30 tuổi? Tôi cần phải chú ý những gì nếu muốn mang thai vào tuổi này?
- Làm sao để giảm căng thẳng trong cuộc sống?
- Bảo hiểm có chi trả cho các xét nghiệm tầm soát bệnh không? Nếu tôi không có bảo hiểm, tôi nên làm gì?
- Tôi nên hỏi ai về kết quả xét nghiệm và khi nào?
7. Chăm sóc sức khỏe tuổi 30: Các xét nghiệm cần thực hiện
Dưới đây là các khuyến cáo dành cho phụ nữ ở tuổi 30 về các xét nghiệm tầm soát cũng như vắc xin miễn dịch mà bạn cần tiêm.
Đo huyết áp để xác định bệnh tăng huyết áp: Ít nhất bạn nên đo 2 lần mỗi năm và thường xuyên hơn nếu huyết áp bạn từ 120/80 trở lên.
Xét nghiệm cholesterol máu: bạn nên xét nghiệm mỗi 5 năm hay thường xuyên hơn nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Khám vú: Bạn nên khám vú mỗi 3 năm để phát hiện các triệu chứng bất thường nếu có. Bạn cũng nên tự khám vú cho bản thân vì các nghiên cứu đã chứng minh tự khám vú góp phần phát hiện u vú sớm.
Cân nặng: Nếu bạn bị thừa cân hay béo phì, bạn nên đi khám để xác định các bệnh mạn tính mà tình trạng này có thể gây ra. Bạn cũng nên có kế hoạch thích hợp để kiểm soát cân nặng hợp lý.
Kiểm tra mắt: Bạn nên khám mắt ít nhất 2 lần trong tuổi 30 đến 39 tuổi. Nhưng nếu bạn có bệnh về mắt, tiền căn gia đình có bệnh về mắt, hay bạn đã từng vị chấn thương mắt, có bệnh đái tháo đường, bạn nên khám thường xuyên hơn.
Khám răng: Bạn nên khám nha sĩ đều đặn hơn mỗi 6 hay 12 tháng để phát hiện các bệnh về răng miệng sớm hơn cũng như tình trạng mất xương ở răng. Cạo vôi răng, làm sạch răng cũng giúp bạn phòng bệnh răng miệng.
Tầm soát đái tháo đường: Bạn có thể hỏi bác sĩ về các nguy cơ của bệnh đái tháo đường. Hầu như xét nghiệm glucose máu sẽ không được thực hiện cho đến khi bạn 45 tuổi, nhưng dựa vào tiền căn bệnh của bản thân bạn mà bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm này. Nếu bạn bị tăng huyết áp hay huyết áp cao hơn 135/80 bạn sẽ cần tầm soát đường trong máu. Xét nghiệm cần bạn nhịn ăn ít nhất là 8 tiếng.
Xét nghiệm Pap: Bạn nên thực hiện xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) mỗi 3 năm hay kết hợp Pap và xét nghiệm HPV mỗi 5 năm. Nhưng nếu bạn có nguy cơ như bất thường với xét nghiệm Pap lần trước, nhiều bạn tình, nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch hay đã từng sử dụng DES (Diethylstilbestrol), bạn nên xét nghiệm hàng năm.
Bạn không nên nhầm lẫn giữa xét nghiệm Pap và khám phụ khoa. Xét nghiệm Pap giúp bạn phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo phụ nữ từ 18 tuổi trở lên đã quan hệ tình dục nên khám phụ khoa hàng năm.
Bệnh lây qua đường tình dục: Bạn nên tầm soát các bệnh lây qua đường tình dục như lậu cầu, HIV nếu bạn từng nhiễm chlamydia hay bệnh lây qua đường tình dục khác, bạn hay bạn tình của bạn có nhiều mối quan hệ.
Xét nghiệm da phòng ung thư: Hiệp hội bệnh về da Hoa Kỳ khuyên bạn nên khám da liễu hàng năm. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ung thư da ở người châu Á thấp hơn nhiều so với người da trắng, vì thế bạn không cần phải khám thường xuyên. Bạn nên khám da liễu khi trên da xuất huyết các sắc tố bất thường, nốt ruồi hay các biểu hiện khác.
Các khuyến cáo có thể khác nhau giữa các chuyên gia. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn, người nắm rõ tình trạng sức khỏe của bản thân bạn và xem xét liệu bạn có nguy cơ bệnh đái tháo đường, tim mạch hay những bệnh khác không.
Xét nghiệm tuyến giáp: Hiệp hội tuyến giáp Hoa Kỳ đề nghị tầm soát bệnh tuyến giáp (TSH) khi bạn 35 tuổi và mỗi 5 năm. Viện hàn lâm Hoa Kỳ về Bác sĩ Gia đình (American Academy of Family Physicians) khuyên không nên tầm soát trước 60 tuổi. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể hơn.
8. Tiêm vắc xin miễn dịch các bệnh phổ biến
Để chăm sóc sức khỏe tuổi 30 thật tốt, bạn nên tiêm vắc xin miễn dịch một số căn bệnh phổ biến sau đây:
- Viêm gan A: Những người sống, làm việc hay du lịch đến các vùng có viêm gan A hoạt động mạnh nên tiêm vắc xin phòng bệnh này.
- Viêm gan B: Tất cả phụ nữ mang thai nên tầm soát bệnh viêm gan B ngay lần khám đầu tiên. Trẻ em cần được tiêm vắc xin viêm gan B từ khi sinh ra hay những người chưa được tiêm phòng từ nhỏ, những người có nguy cơ cao nhiễm bệnh như quan hệ tình dục, tiêm thuốc, mắc bệnh lây lan qua đường tình dục, việc làm tiếp xúc với máu.
- Cúm: Bạn nên tiêm phòng cúm mỗi năm để tự bảo vệ bản thân,
- Phế cầu: Bạn sẽ cần 1 hay 2 lần tiêm nếu bạn hút thuốc hay mắc các bệnh mạn tính khác.
- Uốn ván: Bạn cần tiêm phòng uốn ván mỗi 10 năm.
Phụ nữ sau tuổi 30 cần biết cách chăm sóc sức khỏe mỗi ngày bằng chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp để duy trì cơ thể khỏe mạnh và ngăn ngừa lão hóa. Bên cạnh đó, bạn cũng cần sắp xếp thời gian khám sức khỏe định kỳ, tiêm chủng và nhận lời khuyên từ bác sĩ để phòng tránh các nguy cơ tiềm ẩn.